Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

Một cái chết - Stephen King

Jim Trusdale có một căn chòi nằm ở phía tây cái nông trại tồi tàn của cha gã. Khi cảnh sát trưởng Barclay cùng nửa-tá-người-đại-diện-cho-thị-trấn tìm tới đây, gã đang ngồi trên chiếc ghế cạnh lò sưởi, khoác lên mình một chiếc áo khoác bụi bặm sờn vải và đọc một số cũ của tờ Black Hills Pioneer dưới ánh đèn cầy. Dù sao thì cũng đang xem xét nó.
Trước cửa nhà đã gần như chật ních. Cảnh sát trưởng Barclay đứng đó, tay ông cầm một cái đèn cầy. “ Giơ hai tay lên rồi đi ra đây Jim. Tôi chưa rút súng đâu và cũng không muốn thế”.
Trusdale giơ hai tay đi ra, một bên tay vẫn cầm tờ báo. Gã đứng đó nhìn cảnh sát trưởng với cặp mắt dẹt màu xám. Cảnh sát trưởng nhìn lại. Bốn người đang cưỡi ngựa cùng hai người ngồi trên chiếc xe ngựa với dòng chữ “Hines Mortuary” màu vàng đã nhạt mờ in bên hông xe cũng nhìn lại gã.
“ Tôi thấy là cậu không hỏi tại sao chúng ta ở đây,” Cảnh sát trưởng Barclay nói.
“ Sao ngài ở đây, cảnh sát trưởng?”
“ Chiếc mũ của cậu đâu, Jim?”
Trusdale đưa cánh tay không cầm tờ báo lên đầu như muốn sờ lấy cái mũ, một cái mũ rộng vành màu nâu, nhưng nó không ở đó.
“ Ở trong nhà phải không?” Cảnh sát trưởng hỏi. Một làn gió lạnh quét qua thổi rạp đám cỏ hướng theo mình về phương nam. Bờm lũ ngựa bay lòa xòa trong gió.
“ Không,” Trusdale nói. “ Tôi tin là không có.”
“ Vậy đâu?”
“ Chắc tôi làm mất rồi.”
“ Leo lên thùng xe ngựa đi,” Cảnh sát trưởng nói.
“ Tôi không muốn lên thùng chở xác,” Trusdale nói. “ Đen lắm.”
“ Vận xui đã ám đủ vào cái vận mày rồi đấy,” một người đàn ông nói. “Đi lên.”
Trusdale đi ra đằng sau xe ngựa rồi leo lên. Cơn gió lại ùa tới mạnh hơn. Gã dựng cổ áo lên.
Hai người đàn ông ngồi ghế trên của xe ngựa bước xuống đứng sang hai bên. Một người rút súng ra. Trusdale nhận ra họ nhưng gã không biết tên. Họ là người dân trong thị trấn. Cảnh sát trưởng cùng bốn người khác đi vào cái chòi của gã. Một người trong đó là Hines, làm việc tang ma. Họ ở trong đó một lúc. Họ còn bới cả tro trong lò sưởi. Cuối cùng họ đi ra.
“ Không có mũ,” Cảnh sát trưởng Barclay nói. “ Và trước kia chúng tôi đã nhìn thấy nó rồi. Một cái mũ to vật vã. Có gì muốn nói về nó không?”
“ Thật tệ là tôi mất nó rồi. Bố tôi cho tôi khi ông cụ vẫn minh mẫn.”
“ Vậy nó đâu rồi?”
“ Tôi đã nói rồi, chắc là tôi làm mất rồi. Hay là bị trộm mất rồi cũng nên. Có thể lắm. Mà này, tôi đang chuẩn bị lên giường đây.”
“ Quên chuyện ngủ ngáy đi. Chiều nay anh ở thị trấn phải không?”
“ Chắc chắn là gã đã ở thị trấn,” Một người đàn ông nói khi đang leo lại lên lưng ngựa. “ Chính mắt tôi trông thấy. Đang đội cái mũ.”
“ Im đi Dave” Cảnh sát trưởng Barclay nói. “ Cậu đã ở thị trấn phải không Jim?”
“ Đúng, thưa ngài,” Trusdale nói.
“ Trong quán Chuck-a-Luck?”
“ Đúng, thưa ngài. Tôi đi bộ từ đây tới quán, uống hai cốc rượu rồi đi về nhà. Tôi đoán tôi mất mũ ở Chuck-a-Luck.”
“ Chuyện của cậu đây à?”
Trusdale nhìn lên bầu trời Tháng mười một u ám. “ Đây là câu chuyện duy nhất tôi có.”
“ Nhìn tao này, con trai.”
Trusdale nhìn ông.
“ Chuyện của mày đây sao?”
“ Tôi đã nói rồi, đây là câu chuyện duy nhất tôi có,” Trusdale nói, mắt nhìn ông.
Cảnh sát trưởng Barclay thở dài. “ Được rồi, về thị trấn nào.”
“ Tại sao?”
“ Bởi vì cậu đã bị bắt.”
“ Con mẹ nó loại bại não,” một người đàn ông nói. “ Trông nó mà thấy thằng bố nó còn sáng dạ hơn.”
Họ đi về phía thị trấn cách đây bốn dặm. Trusdale ngồi đằng sau chiếc xe tang mà run rẩy trong giá rét. Người đàn ông cầm cương ngựa hỏi Trusdale, mắt vẫn hướng về phía trước, “ Mày vừa hiếp vừa cướp tiền của con bé phải không thằng chó?”
“ Tôi không biết ông đang nói cái gì.” Trusdale nói.
Cuộc hành trình tiếp tục, đoàn người im lìm di chuyển trong tiếng gió. Trong thị trấn, mọi người đứng dàn hàng trên con phố. Lúc đầu họ yên lặng. Rồi một bà già đầu quàng một chiếc khăn nâu chạy tập tễnh ra sau chiếc xe ngựa rồi nhổ nước bọt vào Trusdale. Bà nhổ trượt nhưng đằng sau rộ lên một tràng pháo tay.
Ở nhà giam, cảnh sát trưởng Barclay đỡ Trusdale từ trên xe ngựa xuống. Gió lồng lộng thổi, trải mùi tuyết ra không gian. Các bụi-cỏ-lăn bay dọc theo đường chính tới tháp nước thị trấn rồi chất đống ở hàng rào.
“ Treo cổ thằng ấu sát đi!” một người đàn ông gào lên. Rồi có ai đó ném đá vào Trusdale. Viên đá bay xẹt qua đầu Trusdale và rơi bốp xuống vỉa hè.
Cảnh sát trưởng Barclay quay người lại, nâng cây đèn lên rồi phóng mắt vào đám đông đang tụ lại trước cửa hàng tạp hóa. “ Đừng làm thế,” ông nói. “ Đừng làm gì ngu ngốc. Mọi chuyện đã được kiểm soát.”
Cảnh sát trưởng giữ Trusdale bằng bắp tay, dẫn gã ngang qua văn phòng rồi vào phòng giam. Có hai xà lim. Barclay đưa Trusdale vào xà lim bên trái. Trong đấy có một cái giường, một cái ghế đẩu và một cái thùng rác. Trusdale định ngồi xuống ghế thì Barclay nói, “ Không. Cứ đứng đó.”
Cảnh sát trưởng nhìn quanh và thấy đội dân quân đang đứng chật ở cửa. “ Mọi người đi ra đi,” ông nói.
“ Otis”, người đàn ông tên Dave nói, “ nhỡ nó tấn công ông thì sao?”
“ Thì tôi sẽ dập nhừ nó. Cảm ơn ông đã làm tròn nghĩa vụ, nhưng giờ ông đi đi cho.”
Khi họ đi rồi, Barclay nói “ Cởi áo khoác ra đưa đây.”
Trusdale cởi chiếc áo ra và bắt đầu run lập cập. Bên trong gã chỉ mặc một chiếc áo lót cùng một chiếc quần nhung kẻ đã rách gối còn các sọc cũng đã sờn gần hết.
Cảnh sát trưởng Barclay lục các túi ở cái áo khoác và tìm thấy cuộn thuốc lá kẹp trong cuốn catalog của công ty đồng hồ R.W.Sears và một tờ vé xổ số cũ hứa hẹn sẽ đổi được ra peso . Còn có một viên bi màu đen nữa. ( DG: đồng peso: tiền tệ các nước châu Mỹ La-tinh).
“ Đấy là viên bi may mắn của tôi,” Trusdale nói. “ Tôi có từ hồi còn bé.”
“ Lộn trái túi quần ra.”
Trusdale lộn túi quần ra. Gã có một vài xu lẻ và một mẩu báo đăng tin chuyện săn bạc ở Nevada trông cũng cũ như tờ vé số Mexico vậy.
“ Cởi giày ra.”
Trusdale cởi ra. Barclay thò tay vào. Có một chiếc lỗ nhỏ ở một bên giày.
“ Giờ cởi tất ra.”
Barclay lộn trái chúng ra rồi ném sang một bên.
“ Cởi quần ra.”
“ Tôi không muốn.”
“ Tôi cũng không muốn xem có gì trong đó đâu, nhưng cởi ra đi.”
Trusdale cởi quần ra. Gã không mặc quần lót.
“ Quay người lại và dạng chân ra.”
Trusdale quay lại, hai tay nắm lấy hai bên mông rồi bạnh ra. Cảnh sát trưởng Barclay cau mày, thở dài rồi chọc một ngón tay vào lỗ đít Trusdale. Trusdale rên lên. Barclay rút ngón ra, chùi vào quần của Trusdale, đôi mày lại khẽ cau.
“ Nó đâu Jim?”
“ Cái mũ sao?”
“ Cậu nghĩ tôi chọc tay vào đít cậu hay bới chỗ tro trong nhà cậu để tìm cái mũ à? Cậu có bị ngu không?”
Trusdale mặc quần lên và cài cúc. Rồi gã đứng đó. Chân trần. Run rẩy. Mới một tiếng trước thôi, gã đang ở nhà đọc báo và tính nhóm lửa lò. Giờ tựa hồ những chuyện đó đã là dĩ vãng xa xôi lắm.
“ Cái mũ của cậu tôi đang để ở văn phòng rồi.”
“ Vậy sao ông còn hỏi tôi về nó?”
“ Xem cậu nói thế nào. Chuyện cái mũ đã xong. Chuyện tôi thực sự muốn biết là cậu giấu đồng đô-la bạc của cô bé ở đâu. Nó không có ở nhà cậu, hay trong túi của cậu, hay trong lỗ đít cậu. Có phải cậu thấy tội lỗi và ném nó đi rồi không?” ( Chú thích: đồng đô-la bạc giống xu nhưng to hơn.)
“ Tôi không biết gì về đồng đô-la bạc. Tôi có thể xin lại cái mũ được không?”
“ Không. Đó là bằng chứng. Jim Trusdale. Tôi bắt cậu vì tội giết Rebecca Cline. Cậu có gì muốn nói về chuyện đó không?”
“ Có thưa ngài. Tôi không biết Rebecca Cline nào hết.”
Cảnh sát trưởng rời xà lim, đóng cửa lại, lấy chìa khóa treo trên tường và khóa cửa. Ổ khóa rít lên ken két. Xà lim thường là chỗ trú chân cho mấy gã say xỉn và chẳng mấy khi khóa. Barclay nhìn Trusdale và nói,” Tôi thấy tiếc cho cậu, Jim. Đọa đày chốn hỏa ngục chưa bao giờ là đủ với một kẻ đang tâm làm ra chuyện như thế.”
“ Chuyện gì cơ?”
Cảnh sát trưởng lê bước đi mà không trả lời.
Trusdale ở trong nhà giam, ăn đồ ăn từ Mother’s Best, ngủ trên giường, ỉa đái vào cái thùng rác. Cứ hai ngày là cái thùng rác được dọn một lần. Cha gã không tới thăm gã. Ông cụ đã hơn tám mươi, đầu óc đã lẫn. Ở nhà ông được hai người đàn bà da đỏ chăm nom, một người Sioux và một người Cheyenne.  Đôi lúc họ đứng ở cửa căn nhà gỗ bỏ hoang hòa giọng hát thánh ca. Anh trai gã thì đang săn bạc ở Nevada.
Thỉnh thoảng lũ trẻ chạy tới hẻm ở ngoài phòng giam hò hét, “ Người treo cổ, người treo cổ, xuống đây nào.” Thi thoảng đàn ông túm tụm bên ngoài và dọa cắt của quý của gã. Một lần, mẹ Rebecca Cline tới và nói bà mà có quyền là bà treo cổ gã tức thì. “ Sao mày có thể giết con bé?” bà hỏi qua chấn song sắt ô cửa sổ. “ Con bé mới có mười tuổi. Hôm đó lại là sinh nhật nó.”
“ Bác à,” Trusdale đứng trên cái giường để nhìn được xuống người phụ nữ phía dưới. “ Cháu không giết con bác. Cháu không giết ai hết.”
“ Thằng khốn dối trá,” bà nói xong bỏ đi.
Gần như tất cả mọi người trong thị trấn đều dự lễ tang của đứa trẻ. Hai phụ nữ da đỏ cũng đi. Kể cả hai ả gái điếm trong quán Chuck-a-Luck ngày đêm tiếp khách cũng đi. Trusdale đang ngồi xổm trên chiếc thùng rác trong góc tường. Từ đây gã có thể nghe được tiếng hát.
Cảnh sát trưởng Barclay đánh điện báo tới pháo đài Pierre. Khoảng một tuần sau, tòa án lưu động tới. Vị thẩm phán tên là Roger Mizell, mới nhậm chức và còn trẻ, trông rất bảnh bao với mái tóc vàng óng phủ dài tới lưng nom như Wild Bill Hickok. Gã đeo một cặp kính mắt tròn nhỏ. Và ngay cả khi tay có đeo nhẫn cưới thì lúc ở Chuck-a-Luck và Mother’s Best, gã vẫn hiện rõ ra là một kẻ đa tình.
Trong thị trấn không có luật sư để biện hộ cho Trusdale, nên Mizell gọi George Andrews, chủ của tiệm tạp hóa, nhà trọ cũng như khách sạn Good Rest. Andrews đã học hai năm giáo dục bậc cao ở một trường kinh doanh phía Đông. Ông nói ông sẽ làm luật sư cho Trusdale chỉ khi vợ chồng nhà Cline đồng ý.
“ Vậy đi gặp họ đi,” Mizell nói. Gã đang ngả lưng trên ghế và cạo râu trong tiệm cắt tóc. “ còn chần chừ gì nữa sao.”

“ Vậy,” Ông Cline nói sau khi Andrews trao đổi với vợ chồng họ về chuyện của Trusdale, “ Tôi muốn hỏi là giờ nếu hắn không có ai biện hộ thì họ vẫn có thể treo cổ hắn chứ?”
“ Vậy thì không đúng luật pháp Hoa Kỳ,” Andrews nói.” Dù chúng ta chưa nằm trong Hợp Chủng Quốc nhưng cũng sẽ sớm thôi.”
“ Liệu hắn có luồn lách qua được vụ này không?” Bà Cline hỏi.
“ Không thưa bà,” Andrews nói. “ Tôi thấy không thể được.”
“ Vậy ông hãy làm bổn phận của mình đi. Chúa phù hộ ông.” Bà Cline nói.
Phiên tòa xét xử kéo dài từ sáng tới giữa chiều tại hội trường trị trấn vào một buổi sáng tháng mười một. Một trận mưa tuyết bất chợt xuất hiện. Những bông tuyết nối đuôi nhau tạo thành những rải đăng ten trắng lạnh phủ khắp bầu không. Đám mây u ám lảng bảng trôi trên bầu trời báo hiệu một cơn bão lớn hơn. Roger Mitchell đã nắm được vụ án, lần này gã làm cả vai trò Luật sư bên nguyên cũng như thẩm phán.
“ Kiểu như một chủ ngân hàng đi vay tiền của chính mình rồi tự mình trả lãi vậy”. Đây là lời của một trong những bồi thẩm viên bị người ta nghe lỏm được trong lúc nghỉ trưa ở quán Mother’s Best. Và dù không ai bất đồng với ý kiến này, cũng không ai nói nó là một ý kiến tồi. Rút cuộc thì nó cũng có cái hợp lý của nó.
Bên nguyên Mizell cho gọi sáu nhân chứng, và Thẩm phán Mizell không bao giờ bác bỏ một câu hỏi nào. Ông Cline làm chứng đầu tiên, và cảnh sát trưởng Barclay làm chứng cuối cùng. Câu chuyện ghép lại khá đơn giản. Và chiều ngày Rebecca Cline bị sát hại, có một buổi tiệc sinh nhật gồm bánh và kem. Một vài người bạn của Rebecca tới dự. Khoảng hai giờ chiều, khi mấy đứa nhỏ đang chơi Gắn đuôi lừa và Ghế âm nhạc, Jim Trusdale vào quán Chuck-a-Luck và gọi một ly whiskey. Gã đội một chiếc mũ rộng vành. Gã uống hết ly đầu, rồi gọi tiếp ly nữa.
Có lúc nào gã bỏ cái mũ ra không? Tỷ như treo nó ở móc chỗ cửa vào? Không ai nhớ được.
“ Tôi chưa bao giờ thấy cậu ta rời cái mũ,” Dale Gerard, phục vụ quán, nói. “ Cậu ta rất thích cái mũ. Nếu cậu ta có bỏ ra thì hẳn là cậu ta đặt ngay bên cạnh. Cậu ta uống ly thứ hai rồi rời đi.”
“ Cái mũ có ở quầy bar lúc anh ta đi khỏi không?” Mizell nói.
“ Không thưa ngài.”
“ Vậy nó có ở trên móc lúc anh dọn quán đóng cửa không?”
“ Không, thưa ngài.”
Vào khoảng ba giờ chiều cùng ngày, Rebecca Cline rời nhà mình ở cuối phía nam thị trấn để đi thăm người bán thuốc ở trên đường chính.Mẹ cô bé bảo cô có thể dùng tiền mừng sinh nhật mua kẹo, nhưng không được ăn vì hôm nay cô đã ăn nhiều kẹo rồi. Đồng hồ điểm năm giờ chiều mà cô bé vẫn chưa về. Ông Cline và vài người đàn ông bắt đầu đi tìm cô. Họ tìm thấy cô bé ở hẻm Barker nằm giữa kho hàng và khách sạn Good Rest.Cô bé bị bóp cổ chết. Đồng đô-la bạc của cô đã mất. Khi người cha đang nức nở ôm cô trong vòng tay thì một nguời đàn ông thấy cái mũ của Trusdale. Nó được giấu bên dưới chiếc váy sinh nhật của cô bé.
Trong giờ nghỉ trưa của ban bồi thẩm, tiếng búa vang lên từ phía đằng sau phía nhà kho, cách hiện trường vụ án chưa tới 90 bước chân. Họ đang dựng bục treo cổ. Công việc được giám sát bởi người thợ mộc lành nghề nhất thị trấn, người có một cái tên thật thích hợp: ngài John House. Cơn bão tuyết đang tới gần. Thông lộ tới pháo đài Pierre có thể sẽ bị mắc nghẽn. Có thể trong một tuần, có khi là cả mùa đông.  Họ không có ý định giam Trusdale trong thị trấn tới mùa xuân. Chẳng lý gì phải làm thế cả.
“Dựng cái này dễ ợt à,” House tán chuyện với mấy người tới xem. “ Đứa nhóc cũng làm được.”
Ông giảng giải lúc gạt cần gạt thì thanh xà dưới cửa sập hoạt động ra sao, rồi phải bôi mỡ vào trục sao cho đúng để không bị kẹt. “ Nếu các bác muốn làm thứ gì như thế này thì các bác sẽ muốn làm chuẩn ngay ở lần đầu tiên.” House nói.
Vào buổi chiều, George Andrews đưa Trusdale lên để chất vấn. Mọi người hò reo la ó. Thẩm phán Mizell gõ mạnh búa lên bàn, cam đoan là sẽ đuổi hết mọi người ra nếu vẫn tiếp tục hành xử bừa bãi.
“ Có đúng là vào hôm đó anh vào quán Chuck-a-Luck không?” Andrews hỏi khi mọi người yên ắng trở lại.
“ Tôi đoán vậy,” Trusdale nói. “ Không thì chắc tôi cũng chẳng ở đây.”
Đám đông rộ lên cười. Thẩm phán Mizell cũng cười. Tay gã dù vẫn gõ búa ổn định trật tự nhưng cũng không nhắc nhở mọi người.
“ Có phải anh gọi hai cốc rượu không?”
“ Vâng thưa ngài, đúng thế. Tiền tôi mang chỉ đủ uống hai cốc,”
“ Rồi mày có thêm một đô-la ngay tắp lự phải không thằng chó!” Abel Hines thét lên.
Mizell cầm búa chỉ vào Hines, rồi chỉ sang Cảnh sát trưởng Barclay đang ngồi ở hàng ghế đầu, “ Cảnh sát trưởng, phiền ngài hộ tống người đàn ông này ra ngoài, phạt tội gây rối trật tự công cộng cho tôi.”
Barclay đưa Hines ra nhưng không phạt ông tội gì mà hỏi ông sao ông làm thế.
“ Tôi xin lỗi, Otis,” Hines nói. “ Nhìn cái mặt thằng đó vẫn cứ nhơn nhơn ra làm tôi không chịu được.”
“ Ra chỗ John House xem ông ta có cần giúp gì không đi Hines” Barclay nói. “ Chuyện lùng bùng này còn chưa xong thì đừng quay lại đây.”
“ Việc chỗ lão House thì cần gì thêm tôi nữa. Tuyết thì rơi chết bà luôn.”
“ Rơi nữa cũng chẳng chết được. Đi đi.”
Trong khi đó, Trusdale vẫn đang cung khai. Vậy là gã đã đầu trần mà rời quán Chuck-a-Luck. Về nhà gã mới phát hiện ra. Gã nói lại đi bộ về thị trấn tìm thì mệt quá. Mà lúc đó trời cũng đã tối rồi.
Mizell xen vào. “ Giờ anh bảo cả tòa phải tin anh đi bộ 4 dặm mà không biết mình không đội mũ?”
“ Chắc tại tôi suốt ngày đội nó nên cứ nghĩ lúc nào nó cũng trên đầu,” Trusdale nói. Mọi người lại rộ lên cười.
Barclay quay lại ngồi cạnh Dave Fisher. “ Họ đang cười gì đó?”
“ Mấy thằng đần như này chẳng cần người treo cổ hộ.” Fisher nói. “ Thằng này toàn tự lấy đá đập chân. Lố bịch thật.”
“ Có phải anh đã gặp Rebecca Cline trong hẻm đó?” George Andrews lớn tiếng hỏi. Trước sự chú ý của mọi người, ông đã tìm được sự tinh tế trước nay vẫn ẩn tàng bên trong đúng lúc sự tình đang lên tới cao trào. “ Có phải anh đã bắt gặp cô bé rồi cướp tiền của cô?”
“ Không, thưa ngài,” Trusdale nói.
“ Anh đã giết cô bé phải không?”
“ Không thưa ngài. Tôi còn không biết cô bé là ai nữa kìa.”
Bà Cline chồm lên hét. “ Chính mày giết nó, quân chó đẻ dối trá!”
“ Tôi không nói dối,” Trusdale nói, và đó là lúc Cảnh sát trưởng Barclay tin gã.
“ Tôi không còn câu hỏi nào nữa,” Andrews nói rồi về chỗ.
Trusdale toan đứng dậy, nhưng Mizell bảo gã cứ ngồi nguyên và trả lời thêm vài câu hỏi nữa.
“ Anh Trusdale, vậy là anh vẫn cứ khăng khăng cho rằng ai đó đã trộm mũ của anh lúc anh đang uống rượu ở Chuck-a-Luck, đội nó rồi đi tới hẻm, rồi giết Rebecca Cline, để cái mũ lại để đổ vấy cho anh?”
Trusdale im lặng.
“ Trả lời câu hỏi đi anh Trusdale.”
“ Thưa ngài. Tôi không hiểu “ đổ vấy” nghĩa là gì.”
“ Anh muốn bọn tôi tin là ai đó đã gài bẫy anh trong vụ giết người tàn ác này?”
Trusdale ngẫm nghĩ, hai tay đan vào nhau. Cuối cùng gã nói, “ Có lẽ ai đó đã cầm nhầm mũ của tôi rồi vứt nó đi.”
Mizell mải mê nhìn mấy bức tranh. “ Ở đây có ai cầm nhầm mũ của anh Trusdale không?”
Không ai nói gì. Những bông tuyết rơi va vào ô cửa sổ tạo nên những thanh âm duy nhất bao trùm lấy hội trường đang chìm trong tĩnh mịch. Cơn bão lớn đầu tiên của mùa đông đã tới. Người dân thị trấn gọi mùa đông này là Lang Đông, do có lũ sói từ Black Hills kết đàn xuống bới rác.
“ Tôi không còn câu hỏi gì nữa,” Mizell nói. “ Vì thời tiết xấu, chúng tôi sẽ bỏ qua mấy khâu phát biểu rườm rà. Hội đồng xét xử sẽ cân nhắc đưa ra phán quyết. Các quý ngài có ba lựa chọn, vô tội, ngộ sát hoặc giết người cấp độ 1.”
Cảnh sát trưởng Barclay và Dave Fisher lui tới quán Chuck-a-Luck. Abel Hines cũng vừa tới, tuyết rơi phủ đầy lên hai vai khiến lão phải đứng phủi xuống. Dale Gerrard mang những vại bia lớn ra cho họ.
“ Mizell có thể không còn câu hỏi nào nữa,” Barclay nói, “ nhưng tôi có. Tạm gác chuyện cái mũ, còn đồng tiền, sao chúng ta không tìm thấy nó?”
“ Vì nó sợ quá vứt đi luôn rồi,” Hines nói.
“ Tôi không nghĩ thế. Thằng này quá ngốc. Nó mà cầm tiền là lại về Chuck-a-Luck uống rượu tiếp cho xem.”
“ Anh tính nói gì đây?” Dave hỏi. “ Rằng anh tin nó vô tội?”
“ Tôi nói là giá mà chúng ta tìm ra được đồng tiền.”
“ Có khi túi thằng này thủng rơi mất cũng nên.”
“ Túi nó không thủng lỗ nào hết,” Barclay nói. “ Chỉ có một lỗ ở giày, mà cũng không đủ to mà lọt được đồng tiền.” Ông cầm cốc bia lên uống. Gió tuyết vẫn thổi. Mấy bụi-cỏ-lăn bay lập lờ trên Phố Chính khiến khung cảnh vốn lạnh lẽo tiêu điều thêm chất liêu trai.
Hội đồng xét xử làm việc mất một tiếng rưỡi. “ Chúng tôi đã biểu quyết treo cổ Trusdale ở lần bỏ phiếu đầu tiên,” Kelton Fisher nói, “ nhưng chúng tôi muốn sự việc công bằng minh bạch.”
Mizell hỏi Trusdale có muốn nói gì trước khi bản án được thông qua không.
“ Tôi không nghĩ được gì,” Trusdale nói. “ Mỗi việc tôi chưa từng giết cô bé.”
Cơn bão vần vũ ba ngày trời. John House hỏi Barclay xem ông áng chừng Trusdale nặng bao nhiêu cân. Lúc Barclay trả lời là ông đoán khoảng 64 cân, House đi làm một người nộm bằng vải bố rồi nhồi đá vào, mang ra chỗ nhà trọ cân dòm cái kim chạy đúng 64 cân thì thôi. Sau đó ông mang treo lên trước sự mục kích của một nửa thị trấn. Cuộc chạy thử khá tốt.
Vào đêm trước ngày hành quyết, trời quang mây tạnh. Cảnh sát trưởng Barclay bảo Trusdale rằng gã có thể ăn bất cứ thứ gì gã muốn.Trusdale gọi một đĩa Bít tết và trứng cùng một đĩa cá hồi ăn kèm với nước sốt. Barclay bỏ tiền túi ra mua cho gã; rồi ông ra bàn ngồi cậy móng tay và nghe tiếng dao dĩa va nhau vang lên đều đều từ trong phòng giam. Khi Trusdale ăn xong, ông đi vào. Trusdale đang ngồi trên giường. Cái đĩa sạch bách. Barclay nghĩ hẳn là gã đã liếm như chó tới giọt sốt cuối cùng. Gã đang khóc.
“ Tôi vừa chợt nghĩ ra,” Trusdale nói.
“ Gì vậy Jim?”
“ Nếu mai họ treo cổ tôi, vậy tôi sẽ xuống mồ với cả bít tết và trứng. Bụng tôi tiêu hóa không nổi nữa rồi.”
Barclay im lặng trong thoáng chốc. Ông thấy sợ. Ông không sợ cái viễn cảnh Trusdale nhắc đến mà ông sợ vì gã đã nghĩ tới cái viễn cảnh ấy. Rồi ông nói, “ Lau mũi đi.”
Trusdale quệt mũi.
“ Giờ nghe này, Jim, vì đây là cơ hội cuối cùng của cậu. Cậu đã ở trong quán bar vào chiều ngày hôm đó. Lúc đó không có nhiều người lắm đúng không?”
“ Tôi đoán vậy.”
“ Vậy thì ai đã lấy mũ của cậu? Nhắm mắt lại. Nghĩ thật kỹ đi.”
Trusdale nhắm mắt lại. Barclay chờ đợi. Sau cùng Trusdale mở mắt ra, đôi mắt vẫn đương hoen đỏ những nước mắt. “ Tôi còn không nhớ được hôm đó có đội không nữa.”
Barclay thở dài. “ Đưa tôi cái đĩa, cẩn thận con dao.”
Trusdale chuyển cái đĩa cùng con dao với cái dĩa qua song sắt. Gã nói gã muốn uống bia. Barclay bèn mặc chiếc áo khoác dày và đội lên đầu cái mũ cao bồi rồi đi tới Chuck-a-Luck và mua từ Dale Gerard một xô bia. Abel Hines cũng vừa uống xong cốc rượu. Ông đi theo Barclay.
“ Ngày mai trọng đại đây,” Barclay nói. “ Đã mười năm rồi không có vụ treo cổ nào. May mắn thì sẽ lại có mười năm như thế nữa. Lúc đấy thì tôi thất nghiệp luôn. Ước gì tôi thất nghiệp ngay bây giờ.”
Hines nhìn Barclay. “ Anh thực sự nghĩ hắn không giết cô bé.”
“ Nếu không phải gã.” Barclay nói, “ thì tên sát nhân vẫn còn lởn vởn đâu đó.”
Cuộc treo cổ diễn ra vào 9 giờ sáng hôm sau. Trời lồng lộng gió, bồi thêm cho cái lạnh vốn đã tái tê thêm phần cắt da cắt thịt. Nhưng gần như cả thị trấn kéo đi xem. Mục sư Ray Rowles đứng cạnh John House trên đoạn đầu đài. Cả hai người nào áo nào khăn mà vẫn không kháng cự được với hơi giá của Mẹ Thiên Nhiên.  Trang Kinh Thánh của mục sư Rowles lật phật bay. Chiếc mũ trùm đầu bằng vải màu đen nhét dưới thắt lưng của House cũng đang dập dờn trong gió.
Barclay áp giải Trusdale tới đài treo cổ. Hai tay còng sau lưng, Trusdale vẫn bình tĩnh cho tới khi leo lên các bậc thang. Gã bắt đầu khóc và vùng vẫy.
“ Đừng làm thế,” gã nói. “ Xin đừng làm thế với tôi. Đừng hại tôi. Đừng giết tôi.”
Gã tuy nhỏ người nhưng rất khỏe, Barclay ra hiệu Dave Fissher lại giúp. Hai người cùng gồng mình lên khống chế Trusdale, vừa né gã vùng mình vừa đẩy gã lên hết mười hai bậc thang gỗ. Một lần gã vùng mạnh tới mức cả ba suýt gã, và tay gã thì chút nữa đã với lên nắm được lấy hai người.
“ Buông xuôi và chết như một trang nam tử đi!” có ai đó hét lên.
Đứng trên bục, Trusdale im lặng trong giây lát, rồi khi mục sư Rowles bắt đầu bài Thánh thi 51thì gã bắt đầu gào thét. “ Như một ả đàn bà bị xoắn ti,” ai đó đã nói sau đó trong quán Chuck-a-Luck.
“ Đức Chúa Trời ôi! Xin hãy thương xót tôi tùy lòng nhân từ của Chúa,” Rowles đọc, cao giọng lên để át đi tiếng gào thét của kẻ mang án tử. “ Xin hãy xóa các sự vi phạm tôi theo sự từ bi rất lớn của Chúa.”
Khi Trusdale thấy House lấy cái mũ trùm đầu màu đen ra thì gã bắt đầu thở hổn hển như một con chó. Gã lắc đầu liên tục, cố gắng né cái mũ. Tóc gã bay bay. House kiên nhẫn theo từng cú né đầu của Trusdale, trông như một người đàn ông đang thuần phục một con ngựa bất kham.
“ Cho tôi nhìn dãy núi!” Trusdale rống lên. Nước mũi gã nhểu ra. “ Tôi sẽ ổn nếu ông cho tôi nhìn dãy núi một lần nữa!”
Nhưng House chỉ tròng cái mũ vào đầu Trusdale và kéo nó trùm xuống tới đôi vai đang run rẩy của gã. Giọng mục sư Rowles vẫn đều đều vang. Trusdale thì đang cố né cái cửa sập. Barclay và Fisher đẩy gã về đúng miệng cửa. Phía bên dưới có ai đang khóc. “ Chạy đi mấy anh nài!”
“ Nói Amen đi,” Barclay nói với mục sư Rowles. “ Vì Chúa, nói Amen đi.”
“ Amen,” mục sư Rowles nói rồi lùi ra sau gập cuốn kinh thánh lại.
Barclay hướng House gật đầu. House gật cần. Thanh xà bên dưới thụt lại và cửa sập rơi xuống. Trusdale cũng rơi xuống. Cổ gã gãy phát ra một tiếng rắc nhỏ. Chân gã co lên, đầu gối gần chạm tới cằm, rồi xong lại rũ ra. Dưới chân gã nhỏ long tong nước, nhuộm vàng một mảng tuyết.
“ Chết mẹ mày đi thằng chó!” Bố Rebecca Cline hét lên. “ Són đái ra như một con chó. Con mẹ mày xuống địa ngục vui vẻ nhé!!” Có vài người vỗ tay.
Mọi người ở lại cho tới khi xác Trusdale được mang lên cái thùng xe đã áp giải gã tới thị trấn. Đầu gã vẫn đội cái mũ đen. Rồi mọi người giải tán.
Barclay trở lại nhà tù và ngồi trong phòng giam của Trusdale. Ông ngồi trong đó mười phút. Trời rét căm căm, miệng ông phả ra từng làn hơi trắng. Ông biết mình đang đợi cái gì và rút cục nó cũng đến. Ông nhặt lấy cái xô nhỏ mà ông dùng để mua bia lần cuối cho Trusdale rồi ông nôn vào đó. Sau đó ông vào văn phòng và đốt lò sưởi lên.
Ông ngồi đó trong 8 tiếng, cố đọc một quyển sách. Rồi Abel Hines đi vào nói, “ Otis, anh cần phải tới nhà tang lễ. Tôi có cái này muốn cho anh xem.”
“ Cái gì?”
“ Không. Anh sẽ muốn nhìn tận mắt cơ.”
Vậy là họ đi tới chỗ dịch vụ đám ma và phòng tang lễ Hines. Ở phòng trong,  Trusdale đang nằm trần truồng trên bàn lạnh. Mùi cứt và hóa chất lẩn vẩn trong phòng.
“ Cứ bị treo cổ chết là người ta lại bậy ra như thế,” Hines nói. “ Dũng cảm trời thì cũng thế. Không khống chế được. Lúc đấy cơ hậu môn nó làm chủ.”
“ Và?”
“ Anh ra phía này. Tôi cá là mấy anh đã chứng kiến nhiều vụ kinh tởm hơn đống cứt đái này rồi.”
Đống bầy nhầy đang đầy trên sàn. Có cái gì đó lập lòe trong đó. Barclay nhích lại gần và nhìn thấy nó chính là đồng đô-la. Ông với tay lấy nó ra.
“ Tôi thật không hiểu,” Hines nói. “ Thằng chó này được giam kỹ thế cơ mà.”
Trong góc phòng có cái ghế. Barclay bước ra ngồi lên cái bịch nghe nặng nề như tâm trạng của ông. “ Hẳn là thằng này đã nuốt đồng tiền ngay khi gã nhìn thấy ánh đèn lúc chúng ta kéo đến. Và cứ lần nào ỉa ra là nó lại chùi sạch đi nuốt lại.”
Hai người đàn ông đưa mắt nhìn nhau.
“ Anh đã tin nó.” Sau cùng Hines nói.
“ Ừ, tôi ngốc thật.”
“ Có lẽ điều đó nói lên con người anh hơn là về thằng Trusdale.”
“ Từ đầu chí cuối nó cứ khăng khăng mình vô tội. Cứ như thể nó đang đứng trước Ngai Thánh mà thề thốt vậy.”
“ Đúng,”
“ Tôi không hiểu. Giấu diếm thì nó cũng bị treo cổ. Khai ra thì nó cũng vẫn bị treo cổ. Anh có hiểu không?”
“ Tôi còn không hiểu tại sao mặt trời lại mọc nữa. Anh định làm gì với đồng tiền? Trả lại cho bố mẹ cô bé chăng? Có lẽ sẽ tốt hơn nếu anh không làm vậy, bởi vì….” Hines nhún vai.
Bởi vì nhà Clines đã biết ngay từ đầu. Mọi người trong thị trấn đã biết ngay từ đầu. Chỉ có mình ông không biết. Ông thật ngốc làm sao.
“ Tôi không biết phải làm gì với nó nữa,” ông nói.
Tiếng hát từ nhà thờ nương theo làn gió vang mãi ra xa. Bài kinh ngợi ca Đức Chúa….
2015
Vũ Minh Đức dịch từ bản tiếng Anh đăng trên The New Yorker

Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

Samsa đang yêu - Haruki Murakami



Gã tỉnh dậy và thấy mình đã biến thân thành Gregor Samsa.
Gã nằm duỗi lưng trên giường và nhìn lên trần nhà. Đôi mắt gã mất một lúc mới quen với cái bóng tối lờ nhờ chung quanh. Trần nhà nom đâu như loại bình thường, nhan nhản khắp nơi mà ta có thể bắt gặp hàng ngày. Nó đã từng được sơn trắng, hoặc có thể là màu kem nhạt. Song trải qua bao năm tháng tích tụ bụi bặm bẩn dơ, cái trần nhà đã ngả sang màu sữa đục. Không trang trí. Không đặc điểm nổi bật. Không lý luận cũng không thông điệp. Một cái trần nhà thuần túy mang giá trị kết cấu phụ sức cho ngôi nhà thành hình.
Bên trái căn phòng có một chiếc cửa sổ cao đã bị tháo rèm và được đóng lên những tấm ván ngang khung. Cũng không rõ là cố tình hay vô ý mà người ta đã đóng cách ra vài phân giữa mỗi tấm ván. Những tia mặt trời buổi ban mai rọi qua, phác lên mặt sàn những vệt sáng song song. Mà sao cái cửa sổ lại bị rào lại trông khiếp nhường kia? Sắp có bão lớn hoặc lốc xoáy chăng? Hay để ngăn không cho ai vào đây? Hay liệu như để ngăn ai đó ( gã chẳng hạn?) đi ra ngoài?
Vẫn nằm đó, gã từ từ xoay đầu nhìn xét căn phòng. Ngoài cái giường đang nằm ra thì gã không thấy có đồ đạc gì. Không tủ quần áo. Không bàn ghế. Không tranh ảnh. Cũng không đồng hồ hay gương treo. Cái nền nhà cũng trơ trọi lớp gỗ lạnh nằm im lìm trong bóng tối mà không có một tấm thảm phủ che. Duy chỉ có bức tường là được dán một lớp giấy tường có họa tiết cầu kỳ song đã lâu năm lắm, hoa văn đã mờ nhòe hẳn đi khiến ta không thể thưởng lãm một chút mảy may dưới ánh nắng hiu hắt buổi đầu ngày.
Căn phòng này có lẽ đã từng là một phòng ngủ bình thường. Nhưng nay, khi mà mọi hơi thở của sự sống đã bị thổi bay không chút tăm hơi, thì thứ duy nhất còn sót lại là chiếc giường cùng tấm đệm cũ này, nằm trơ trọi giữa phòng với không chăn, không gối, không ga trải giường.
Samsa không biết gã đang ở đâu hay phải làm gì. Hiện giờ, mọi thứ gã nắm được là mình là Gregor Samsa. Mà thế nào gã lại biết được nhỉ? Nhẽ nào có người đã thì thầm vào tai gã lúc gã đang say ngủ chăng? Nhưng trước lúc trở thành Gregor Samsa thì gã là ai? Hay từng là cái gì?
Lúc gã bắt đầu suy ngẫm về câu hỏi đó thì trong đầu gã xuất hiện thứ gì đó như một đàn muỗi bay vo ve thành một cây cột màu đen. Cái cột này ngày càng dày và dặc hơn khi nó di chuyển tới phần mềm của não gã và bít kín hết mọi ngách lối. Samsa quyết định thôi suy nghĩ. Cố gắng tư duy thông suốt trong lúc đầu óc nhiễu nhương thế này quả thật mệt mỏi hết sức.
Gì thì gì, gã cũng phải tìm cách di chuyển cái thân xác này. Gã không thể nằm đó mà nhìn cái trần nhà này mãi được. Chưa kể là nhiều nguy hiểm nữa. Tỷ như bây giờ mà có lũ chim ăn thịt nào tấn công là gã cầm chắc cái chết. Đầu tiên, gã thử nhúc nhích mười ngón tay. Nhờ trang bị các khớp xương, mười-cái-thứ-nhỏ-dài-gắn-vào-bàn-tay ấy có một cơ chế đồng bộ cử động phức tạp vô cùng. Và tệ hơn là gã cảm thấy tê liệt, cứ như thể cơ thể gã đang bị dìm vào một dung dịch dính nhớp đặc quánh.
Tuy nhiên, bằng việc nhắm mắt lại và tập trung tinh thần cùng nhiều lần thử và thất bại thì gã cũng đã bắt đầu làm chủ được ngón tay. Từng chút một, gã đã học được cách khiến chúng hoạt động. Từ đó, cơn tê liệt bao bọc cơ thể gã qua đi. Nhưng liền ngay sau, một nỗi đau đớn tột cùng choán lấy cái thân thể gã, tựa như một rạng san hô đen đúa và nham hiểm lộ ra sau cơn vãn của hải triều.
Samsa mất một lúc mới nhận ra nỗi đau ấy là cái đói. Cảm giác ham muốn đồ ăn tới cồn cào thật mới với gã, hay ít nhất là gã không nhớ được đã trải qua cảm giác gì như thế. Như thể đã cả tuần rồi gã không ăn gì. Như thể ở chính giữa thân thể gã là một cái hố trống rỗng. Xương gã kêu răng rắc, các cơ của gã siết lại, ruột gan gã đảo lộn.
Samsa không thể chịu đựng cơn đau thêm nữa. Gã chống khuỷu tay xuống nệm và từ từ đẩy người dậy. Xương sống gã kêu lên những tiếng trầm đục và rệu rạo. “Lạy Chúa hài đồng, mình đã nằm đây bao lâu rồi vậy” – gã nghĩ. Cơ thể gã kháng cự lại mọi cử động. Sau một hồi chật vật, cuối cùng gã cũng ngồi dậy được.
Gã nhìn xuống thân thể mình mà thẫn thờ. Sao trông nó bệnh hoạn thế này. Mà còn tệ hơn cả bệnh hoạn nữa. Nhìn không có chút khả năng tự vệ nào.Lớp da trắng bệch được phủ một lớp lông lưa thưa. Đám gân xanh hằn lên thấy rõ. Cái bụng thì èo uột yếu ớt. Dương vật trông kỳ dị lố lăng. Cái cổ nom khẳng khiu dễ gãy. Một mớ tóc lùm xùm cứng như rễ tre đang ngự trên cái đầu lớn và méo mó. Hai cái tai nhô ra như một cặp vỏ sò nom ngớ ngẩn hết sức. Cái vật này là gã sao? Lại có thể có một thân xác phi lý, dễ tiêu diệt ( không lớp bảo vệ, không vũ khí để tấn công) thế này tồn tại trên đời ư? Sao gã không biến thành một con cá hay một bông hoa hướng dương nhỉ? Cá hay hoa nghe còn có lý. Có lý hơn cái con người mang tên Gregor Samsa này.
Tự xốc lại bản thân, gã nhích chân tới mép giường rồi đặt xuống sàn nhà. Cái lạnh bất ngờ từ nền gỗ khiến gã thở hổn hển. Sau vài lần ngã xuống sàn, cuối cùng gã cũng đứng thăng bằng được. Gã đứng đó, đau đớn và thâm tím, một tay vịn vào thành giường cho vững. Đầu của gã nặng một cách bất thường và khó ngẩng lên được. Nách gã toát mồ hôi, dương vật gã xìu đi vì căng thẳng. Gã phải hít sâu vài hơi trước khi các cơ đang co lại của gã từ từ giãn ra.
Khi đã đứng quen rồi, gã bắt đầu tập bước. Chuyện đi bằng hai chân với gã như tra tấn. Mỗi lần bước đi là một lần đau đớn. Dù nhìn ở góc độ nào, bắt hai chân bước lên phía trước là một đề nghị kỳ lạ, coi thường tất cả các quy luật tự nhiên. Khoảng cách bấp bênh từ mắt tới sàn nhà làm gã co rúm lại vì sợ hãi. Gã phải học cách phối hợp hông với khớp gối. Mỗi lần gã bước tới, đầu gối gã run rẩy, và gã phải chống cả hai tay vào tường để trụ vững.
Nhưng gã biết gã không thể ở mãi trong căn phòng này. Nếu không nhanh chóng tìm thức ăn, cái dạ dày đói ngấu của gã sẽ tiêu hóa chính máu thịt của gã, và gã sẽ biến mất khỏi thế gian.
Gã lảo đảo đi về phía cửa, vừa đi ngón tay vừa miết vào tường. Ngoại trừ sự đau đớn thì gã không còn gì khác để đong đếm thời gian. Chuyến đi cơ hồ mất nhiều tiếng đồng hồ. Gã đi chậm rì,hai chân loạng choạng trông rất kỳ quặc. Gã không thể tiến thêm nếu như không bám vào thứ gì đó. Hy vọng lớn nhất của gã là ra được tới phố và mọi người sẽ coi hắn là một kẻ tàn tật.
Gã cầm lấy nắm cửa và kéo. Nó không nhúc nhích. Gã thử đẩy nắm cửa nhưng cũng không được. Rồi gã vặn núm cửa sang phải rồi kéo. Cửa mở ra với một tiếng rít nhẹ. Gã thò đầu vào nhìn. Hành lang không có ai. Xung quanh tĩnh mịch như tờ. Gã bước chân trái vào trước, luồn nửa người qua cánh cửa, một tay gã bám vào khung cửa, rồi nhấc nốt chân phải theo sau. Gã bám tay vào tường và đi từ từ dọc theo hành lang.
Có bốn chiếc cửa ở hành lang, kể cả cái cửa mà gã vừa mở. Tất cả đều giống nhau, cùng một chất gỗ tối. Cái gì hay ai đó ở sau những cánh cửa này nhỉ? Gã rất muốn mở ra và tìm hiểu. Có lẽ gã sẽ hiểu được cái tình huống bí ẩn mà mình đang gặp phải. Hay ít nhất tìm ra được chút manh mối. Tuy nhiên, gã rón rén đi qua mấy cánh cửa. Có thực mới vực được đạo. Gã phải tìm được cái gì đó ăn trước đã. Và gã đã biết chỗ tìm ra chúng. Gã đưa mũi hít hà và ngửi được mùi thức ăn nấu chín. Cứ đi theo mùi thơm thôi. Các hạt nhỏ li ti mang hương thơm thoảng bay trong không khí. Các thụ thể khướu giác trong mũi tiếp nhận mùi hương rồi chuyển tải thông tin lên não bộ, khiến gã dấy lên một sự mong đợi mạnh mẽ, cùng theo đó là sự thèm muốn mãnh liệt. Gã cảm thấy nội tạng mình đang bị một kẻ tra tấn có kinh nghiệm dạn dày từ từ xoắn lại. Mồm gã ứa nước bọt.
Tuy nhiên, để tới chỗ có mùi thức ăn, gã phải đi xuống một cầu thang dốc. Có mười bảy bậc thang. Gã đã trải qua một khoảng thời gian khó khăn bước trên sàn nhà. Bây giờ phải đi xuống như thế này sẽ là một cơn ác mộng thực sự. Gã dùng cả hai tay bám vào lan can và bắt đầu bước xuống. Mắt cá chân gầy gộc của gã tưởng như sẽ sụp xuống dưới sức nặng của toàn thân bất cứ lúc nào. Và gã suýt ngã nhào xuống các bậc thang.
Và Samsa đã nghĩ gì lúc gã đi xuống cầu thang? Phần lớn là về cá và hoa hướng dương. “ Nếu mình biến thành cá hay hoa hướng dương thì đã được sống bình yên mà không phải vật lộn với mấy cái bậc thang như thế này” – gã nghĩ.
Đi hết mười bảy bậc thang, gã đứng thẳng lại, dồn hết sức lực còn lại rồi tập tễnh đi theo hướng có mùi thức ăn. Gã đi qua tiền sảnh có trần cao và bước vào cửa phòng ăn. Đồ ăn được bày trên một chiếc bàn lớn hình bầu dục. Quanh chiếc bàn có năm chiếc ghế nhưng không có ai trong căn phòng. Một làn hơi trắng bốc lên từ những cái đĩa. Ở giữa bàn là một bình thủy tinh cắm khoảng một tá bông hoa huệ. Có bốn chỗ ngồi đã được bày biện dao kéo và khăn ăn, nhưng có vẻ vẫn còn mới nguyên. Dường như mọi người mới ngồi ăn bữa sáng cách đây chỉ vài phút thôi. Bỗng nhiên có một việc gì đó bất ngờ xảy đến, kéo tất cả mọi người đi đâu đó. Là chuyện gì nhỉ? Họ đi đâu vậy? Hay họ bị bắt đi đâu đó? Liệu họ có trở về dùng bữa sáng nữa không?
Nhưng Samsa không có thì giờ nghĩ ngợi về những câu hỏi đó. Nhào tới cái ghế gần nhất, gã bỏ qua luôn chỗ thìa nĩa dao mà dùng tay không quơ lấy mọi thức ăn trong tầm với rồi tọng vào mồm. Gã xé nhỏ bánh mỳ rồi nuốt luôn mà không trét bơ hay mứt. Gã nhai ngấu nghiến cả cái xúc xích, nuốt trứng luộc nhanh đến nỗi gã suýt quên cả bóc vỏ, lại xúc cả thìa đầy những khoai tây nghiền, còn dùng ngón tay bốc lấy salad. Gã nhai chúng cùng một lúc, rồi với lấy bình nước mà tu, dồn hết chúng xuống dạ dày. Mùi vị ra sao gã không quan tâm. Nhạt hay ngon, chua hay cay – với gã như nhau cả. Quan trọng là lấp đầy được cái động rỗng tuếch trong gã. Gã ăn rất chuyên chú như thể đang chạy đua với thời gian. Lần này gã đã ăn rất ngon lành. Xong đâu đó, gã ngồi mút tay rồi dùng luôn tay xỉa răng. Đồ ăn thừa vung vãi khắp nơi. Một chiếc đĩa rơi xuống sàn vỡ toang nhưng gã cũng không đoái hoài gì tới.
Trong lúc Samsa lấp xong đầy cái dạ dày rỗng và ngồi thở, gần như chẳng còn sót lại chút đồ ăn nào, và cái bàn ăn trông thảm hại hết sức. Trông nó giống như vừa bị càn quét bởi một lũ quạ hung hăng đói ăn bay từ cửa sổ vào đánh chén rồi lại bay đi. Thứ duy nhất chưa bị động tới là bình hoa huệ. Mà tỷ như trên bàn có ít thức ăn hơn thì gã cũng dám ăn chúng lắm.
Gã thần người ngồi trên ghế một lúc lâu. Đặt hai tay lên bàn, gã nhìn chằm chằm bình hoa huệ bằng cặp mắt nhắm hờ, cánh mũi thở ra những hơi dài và chậm trong lúc chỗ thức ăn đã có một chuyến hành trình từ thực quản tới dạ dày rồi từ từ tiêu biến trong hệ thống tiêu hóa của gã. Cảm giác no nê trong gã trồi lên như cơn triều cường. Gã lấy cái ấm sắt và rót cà phê vào một cốc sứ màu trắng. Mùi hương nồng nồng bốc lên làm gã nhớ lại cái gì đó. Nhưng nó không đến một cách trực tiếp mà trải qua nhiều khung đoạn. Đó là một cảm giác rất kỳ lạ, tựa hồ gã đang nhặt nhạnh lại hiện tại từ tương lai. Bằng cách nào đó, thời gian như được chia hai, ký ức và trải nghiệm đang bám theo nhau trong một vòng khép kín. Gã đổ nhiều kem vào cốc cà phê, dùng ngón tay khoắng lên rồi uống. Vẫn còn sót chút hơi ấm từ chỗ cà phê. Gã ngậm chỗ cà phê một lúc rồi mới thận trọng nuốt xuống cổ họng. Việc này giúp gã bình tĩnh lại.
Bỗng nhiên, gã thấy lạnh. Cơn đói đã khiến cho mọi giác quan của gã lu mờ kém nhạy. Sau khi đã no bụng, cái lạnh đầu hồi khiến gã nổi da gà. Lửa đã tắt. Cũng không có lò sưởi nào được bật. Trong khi giờ gã đang trần như nhộng.
Gã phải đi tìm gì đó để mặc. Gã đang rét cóng. Hơn nữa, giờ nếu có ai xuất hiện thì thật phiền. Có thể ai đó sẽ gõ cửa. Hay như mấy người vừa định ngồi ăn sáng cách đây ít lâu sẽ trở lại. Ai biết là họ sẽ phản ứng thế nào nếu nhìn gã trong tình trạng này? Gã hiểu tất cả điều này. Không phải gã đoán hay suy nghĩ lý trí. Gã chỉ biết vậy thôi. Đơn giản và thuần túy. Samsa không biết những nhận thức này từ đâu ra. Có lẽ nó liên quan tới những ký ức mà gã từng có.
Gã đứng dậy và đi tới sảnh chính. Dù vẫn cảm thấy khó khăn nhưng ít nhất gã cũng đã đi đứng được mà không phải vịn. Ở trong sảnh có một chiếc ô sắt và vài chiếc gậy đi bộ. Gã lấy một chiếc gậy bằng gỗ sồi để trợ lực, nắm trong tay cái tay cầm chắc chắn của nó khiến gã thấy mạnh dạn cùng thoải mái. Và gã cũng đã có vũ khí để kháng cự nếu bị lũ chim tấn công. Gã đi tới cửa sổ và nhìn ra ngoài qua những vết nứt tấm mạng che.
Căn nhà nằm đối diện với một con phố. Con phố không lớn lắm và ít người qua lại. Tuy nhiên, gã thấy tất cả những người đi ngang qua đều ăn mặc đầy đủ. Quần áo với nhiều kiểu dáng và màu sắc đa dạng. Đàn ông và phụ nữ mặc những trang phục khác nhau. Họ đi những đôi giày da. Một vài người lại chưng diện những đôi giày được đánh bóng lộn. Gã có thể nghe tiếng chân họ vang lên lách cách khi sải bước trên con đường sỏi đá. Nhiều người trong số họ đội mũ. Trông họ không có vẻ gì là đang nghĩ tới chuyện đi bằng hai chân hay phải che đi vùng kín. Samsa nhìn bóng mình qua chiếc gương lớn trong sảnh và so sánh với những người đang đi ngoài kia. Cái gã trong gương nom như một sinh vật tồi tàn và yếu đuối. Bụng của gã dính nước thịt, còn vụn bánh mỳ bám vào lông mu của gã trông như vụn bông. Gã dùng tay phủi hết chỗ bẩn đi.
“ Mình phải đi tìm thứ gì đó để mặc” – gã lại nghĩ.
Gã nhìn ra đường một lần nữa để kiểm tra lũ chim. Nhưng chẳng thấy con nào hết.
Tầng trệt của căn nhà có phòng ăn, phòng bếp, phòng khách cùng hành lang. Tuy nhiên, gã thấy không có phòng nào có thứ gì giống quần áo. Nghĩa là phải thay đồ ở một nơi khác. Có lẽ là ở một phòng trên tầng hai.
Samsa quay lại phía cầu thang và bắt đầu đi lên. Gã bất ngờ phát hiện ra đi lên dễ hơn nhiều so với đi xuống. Nắm chặt lấy lan can, gã có thể leo lên mười bảy bậc thang khá nhanh mà không thấy đau đớn hay sợ hãi quá, chỉ phải nghỉ vài lần ngắn để lấy lại hơi.
Có thể nói là gã khá may mắn khi không có cánh cửa nào ở tầng hai bị khóa. Gã chỉ việc vặn tay cầm rồi đẩy là cánh cửa mở ra. Tổng cộng có bốn phòng, trừ cái phòng lạnh lẽo có cái sàn nhà trơ trọi mà gã tỉnh dậy ra thì các phòng kia đều được trang hoàng đầy đủ. Mỗi phòng đều có một cái giường sạch sẽ, tủ đồ, bàn viết, một chiếc đèn treo trần nhà hoặc gắn vào tường và một tấm thảm có hoa văn phức tạp. Sách được xếp ngay ngắn trên kệ. Tường phòng được trang trí bằng những bức tranh phong cảnh sơn dầu. Mỗi phòng còn có một bình thủy tinh cắm những bông hoa tươi mởn. Những chiếc cửa sổ cũng không bị đóng ván, treo lên chúng là những tấm rèn đăng ten đang đón những tia nắng an lành ấm áp. Những chiếc giường đều có dấu hiệu rằng ai đó đã ngủ ở đây. Gã có thể thấy vết hõm của đầu người lưu lại ở trên gối.
Samsa tìm thấy một chiếc áo choàng dài vừa người gã trong chiếc tủ trong căn phòng lớn nhất. Trông nó giống như thứ gì đó mà gã có thể xử lý được. Gã không biết phải làm gì với chỗ quần áo kia, làm sao để đưa chúng vào, làm sao mặc lên người. Chúng quá phức tạp. Một cái áo mà nhiều khuy quá. Chưa kể gã cũng không biết đâu là trước đâu là sau. Cái nào nên mặc ra phía ngoài, cái nào phải mặc lót ở trong. Cái áo choàng dài thì khác. Đơn giản, thực tế và không có chút điểm tô. Nó có màu xanh tím than, rất nhẹ, và da gã cảm thấy dễ chịu với lớp vải mềm. Thậm chí gã còn tìm ra được một đôi dép cùng tông.
Gã trùm chiếc áo khoác dài lên cơ thể đang không mảnh vải che thân. Sau một hồi cố gắng thì gã cũng đã thắt được đai lưng vào eo. Gã soi mình trong gương sau khi đã đi dép và khoác áo. Thế này chắc chắn là tốt hơn cứ trần truồng đi lại trong nhà. Chiếc áo không mang lại cho gã sự ấm áp đúng với khả năng của nó, nhưng nếu gã cứ ở trong nhà thì nó sẽ giúp làm dịu đi cái lạnh. Mà quan trọng nhất là gã không còn lo lắng làn da mỏng manh của mình sẽ bị lũ quạ háu đói vào xâu xé.
Khi chuông cửa reo, Samsa đang mơ màng ngủ trên chiếc giường lớn nhất ở căn phòng lớn nhất. Chùm chiếc chăn lông vũ lên mình, gã thấy ấm áp thoải mái như đang thiếp ngủ trong một quả trứng. Gã gặp một giấc chiêm bao. Gã không thể nhớ rõ chi tiết, nhưng đó là một giấc mơ vui vẻ và dễ chịu. Tiếng chuông cửa vang vọng khắp căn nhà đã kéo gã về với thực tại lạnh lẽo.
Gã lê mình ra khỏi giường, mặc vào chiếc áo khoác dài, đi đôi dép màu tím than, một tay nắm lấy cái gậy đi bộ màu đen, một tay kia thì bám vào lan can và chập chững đi xuống dưới nhà. Lần này dễ hơn rất nhiều so với lần trước. Nhưng gã không thể buông bỏ cảnh giác và cẩn thận. Gã vẫn có thể ngã nhào. Dán chặt mắt vào đôi chân, gã bước xuống cầu thang từng bậc một. Chuông cửa vẫn reo. Người nào bấm chuông hẳn là người nhẫn nại và ương ngạnh nhất trần đời.
Samsa tiến tới cửa chính, tay trái vẫn nắm lấy cây gậy đi bộ. Gã vặn núm cửa sang phải và kéo, cánh cửa mở ra.
Ngoài cửa là một phụ nữ nhỏ bé. Rất nhỏ bé. Cũng không biết làm sao mà cô với được lên tới chuông cửa. Khi gã nhìn gần hơn, gã nhận ra vấn đề không phải ở tạng người của cô mà là ở phía sau: lưng cô bị gù. Cái bướu gù làm cô trông nhỏ bé, chứ khổ người của cô hoàn toàn bình thường. Tóc cô rất dày, có màu nâu hạt dẻ đậm và được buộc lại bằng dây chun, tránh tóc xõa xuống mặt. Cô bận một chiếc váy suông dài tới mắt cá chân, bên ngoài mặc thêm một chiếc áo khoác bằng vải tuýt thô. Quàng quanh cổ là một chiếc khăn cotton kẻ sọc. Cô không đội mũ. Giày cô đi là loại dây buộc cao cổ. Trông cô như mới bước vào tuổi đôi mươi, và ở cô vẫn có những nét nữ tính lắm. Hai mắt to tròn, chiếc mũi nhỏ nhắn, đôi môi cong cong về một bên trông như một mảnh trăng khuyết. Đôi lông mày đen vẽ nên hai đường thẳng trên trán khiến cô mang một vẻ hoài nghi.
“Đây có phải nhà Samsa không?”, người phụ nữ nói, ngẩng đầu lên nhìn gã. Rồi cô vặn người, giống như cách trái đất vặn mình trong một cơn đại địa chấn.
Lúc đầu gã hơi sửng sốt, nhưng cũng nhích người lên nói: “Đúng” , gã nói. Gã là Gregor Samsa mà, đây có vẻ đúng là nhà Samsa thật. Mà dù sao thì nói thế cũng không hại gì.
Tuy nhiên người phụ nữ có vẻ chưa hài lòng với câu trả lời của gã. Đôi mày của cô nhẹ xoắn lại. Có vẻ như cô nghe ra chút bối rối trong giọng gã.
“Vậy đây đúng là nhà Samsa chứ?”, giọng cô đanh lại, nghe như giọng của một người gác cổng dạn dày đang tra hỏi một gã khách rách rưới.
“Tôi là Gregor Samsa” , Samsa nói, cố làm ra giọng bình tĩnh nhất có thể.
“ Tôi hy vọng là đúng thế”, cô nói rồi thả cái túi vải xuống chân. Cái túi màu đen, có vẻ rất nặng và đã thủng lỗ chỗ. Hẳn là nó đã qua tay nhiều người.
“ Vậy chúng ta bắt đầu thôi”.
Cô sải bước vào nhà mà không đợi câu trả lời của gã. Samsa đứng đằng sau đóng cửa lại. Cô đứng đó, nhìn gã từ trên xuống dưới. Có vẻ như cái áo dài cùng đôi dép đã khiến cô dấy lên lòng nghi ngờ.
“ Hình như tôi đã quấy quả giấc ngủ của anh”, cô nói, giọng lành lạnh.
“ Không sao không sao”, Samsa trả lời. Nhìn qua biểu cảm âm trầm của cô là gã biết bộ quần áo của gã không hợp với tình cảnh hiện tại chút nào . “ Tôi xin lỗi về vẻ ngoài của mình” ,gã nói tiếp, “Có vài lý do….”
Người phụ nữ phớt lờ đi. “ Vậy đâu?”, cô nói tiếp, đôi môi mím lại.
“Vậy đâu?”, Samsa nhắc lại.
“ Vậy cái ổ khóa bị trục trặc đâu?”, Cô nói.
“ Ổ khóa?”
“ Cái ổ khóa hỏng ý “, cô nói, “anh đã gọi tới chúng tôi yêu cầu sửa.”
“ À”, Samsa nói , “Cái ổ khóa hỏng.”
Samsa nặn óc suy nghĩ. Ngay khi gã vừa mới tập trung vào thứ gì đó, cái cột muỗi đen sì lại lục đục hiện ra.
“Tôi chưa từng nghe bất cứ điều gì đặc biệt về cái khóa” ,Gã nói, “Tôi đoán là nó ở một trong những cái cửa ở tầng hai.”
Người phụ nữ quắc mắt nhìn gã.” Anh đoán?” , cô nói, nhìn lên khuôn mặt gã. Giọng cô bây giờ còn lạnh lẽo hơn. Đôi lông mày cong lên đầy hoài nghi. “ Một trong những cánh cửa?” , cô nói tiếp.
Samsa thấy mặt mình đỏ lên. Gã cảm thấy xấu hổ vô cùng vì chẳng biết tý gì về cái khóa. Gã hắng giọng, nhưng không nói được lời nào.
“Anh Samsa, bố mẹ anh có nhà không?” Tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu tôi nói chuyện với họ.”
“ Có vẻ họ đi công chuyện rồi”, Gã nói.
“Công chuyện?” – cô thất kinh nói –“ giữa lúc mọi việc rối ren như thế này ư?”
“Tôi cũng không biết nữa. Sáng nay khi tôi dậy thì mọi người đã đi cả rồi”, Samsa nói.
“Ôi trời”, người phụ nữ nói. Cô thoát ra một tiếng thở dài. “ Chúng tôi đã nói với họ là sẽ có người đến vào giờ này hôm nay”.
“Tôi thật lòng xin lỗi.”
Người phụ nữ đứng đó một lúc. Sau đó, một cách chậm rãi, lông mày cô giãn ra, và cô nhìn vào cái gậy đi bộ màu đen trên tay trái của Samsa. “ Chắc ông thấy khó chịu về cái chân lắm nhỉ?”
“Ừ có một chút”, Samsa nói lảng đi.
Một lần nữa, người phụ nữ đột ngột oằn mình. Samsa không biết hành động này có ý nghĩa ra sao hay để làm gì. Nhưng gã đã nắm được cái chuỗi phức tạp của chuyển động.
“Được rồi, những gì phải làm” , người phụ nữ nói giọng đầu hàng – “là lên tầng hai xem những cái cửa nào. Tôi đã lặn lội đường xá xa xôi trong lúc biến động khủng khiếp mới đi được tới đây. Liều cả mạng mình, thực thế. Thành ra giờ mà nói “ Ồ, không ai có nhà thật sao? Vậy tôi sẽ quay lại sau nhé” thì sẽ không hợp lý chút nào. Đúng không?”
Cuộc biến động khủng khiếp? Samsa không hiểu được là cô đang nói về cái gì. Sự thay đổi tồi tệ nào đang diễn ra? Gã quyết định không hỏi kỹ thêm. Tránh lộ ra sự thiếu hiểu biết của mình thì tốt hơn. Người phụ nữ trẻ cầm lấy cái túi nặng màu đen rồi leo lên cầu thang. Trông cô như một con côn trùng đang bò. Samsa di chuyển chậm chạp đằng sau cô. Dáng đi mà tựa như bò của cô khiến Samsa cảm thấy đồng cảm – nó làm gã nhớ tới một thứ gì đó.
Người phụ nữ đứng trên bậc thang trên cùng và khảo sát hành lang. “ Vậy”, cô nói, “ một trong bốn chiếc cửa có thể bị hỏng khóa đúng không?”
Mặt Samsa đỏ lên. “ Đúng”, gã nói, “ Một trong số chúng. Có thể là ở cái cửa cuối cùng bên trái sảnh. Có lẽ thế”. Gã ấp úng nói. Đó là cái cửa của căn phòng trống gã thức dậy sáng nay.
“Có thể là”, người phụ nữ nói với giọng vô hồn như một đám lửa bị vùi tắt. “ Có lẽ thế”. Cô quay người lại nhìn vào mặt Samsa.
“Bằng cách này hay cách khác”, Samsa nói.
Người phụ nữ lại thở dài. “ Gregor Samsa”. Cô nói một cách khô khan. “ Nói chuyện với anh thú vị thật đấy. Vốn từ phong phú, và lúc nào cũng đi vào ý chính. Sau đó cô đổi giọng. “ Nhưng không sao. Đi kiểm tra cánh cửa cuối cùng bên trái sảnh nào”.
Người phụ nữ tiến lại phía chiếc cửa. Cô vặn tay cầm qua lại và đẩy. Cánh cửa mở vào phía bên trong. Căn phòng vẫn thế: chỉ có một chiếc giường cùng tấm đệm trần bẩn thỉu. Cái sàn nhà cũng trơ trọi như thế. Những tấm ván đóng ngang khung cửa sổ. Người phụ nữ thấy hết nhưng cô không thấy bất ngờ. Thái độ của cô cho thấy những căn phòng tương tự có thể tìm thấy ở khắp nơi trong thành phố.
Người phụ nữ ngồi xổm xuống, mở cái túi đen ra, lấy ra một mảnh vải flannel rồi trải ra sàn. Sau đó cô lấy ra một số dụng cụ, sắp xếp chúng thật ngay ngắn trên mảnh vải, tựa như một gã tra tấn máu lạnh đang trưng ra những món nghề độc ác trước lúc ra tay. Chọn ra một dây thép dày vừa, cô nhét nó vào ổ khóa điều khiển nó từ nhiều góc độ một cách điêu luyện. Mắt cô nheo lại chuyên chú, hai tai dõi nghe từng tiếng động nhỏ nhất. Tiếp đến, cô chọn một dây thép mỏng hơn và làm lại quy trình. Mặt cô hiện lên vẻ u ám, và mồm cô méo đi thành một dạng hình tàn nhẫn, giống như một thanh kiếm Trung Quốc. Cô lấy một cái đèn pin lớn và, với một tia tăm tối bắn ra từ đôi mắt, bắt đầu xem xét kỹ lưỡng cái khóa.
“Anh có chìa cho ổ này không?” Cô hỏi Samsa.
“Tôi chịu không biết thật”, Gã trả lời thành thật.
“Ah, Gregor Samsa, thỉnh thoảng anh làm tôi muốn chết quá”, cô nói.
Sau đó, cô lờ hẳn gã đi. Cô lấy một cái tua vít đang nằm ngay ngắn giữa đám dụng cụ trên miếng vải và tháo cái khóa ra khỏi cửa. Động tác của cô chậm rãi và cẩn thận. Cô thường xuyên dừng lại để vặn người giống lúc trước.
Khi đứng đằng sau và nhìn cách cô chuyển động, Samsa thấy cơ thể mình phản ứng một cách lạ thường. Người gã nóng ran lên, hai cánh mũi căng ra phập phù. Mồm gã khô khốc, mỗi lần nuốt là lại có những tiếng lớn. Đôi dái tai của gã ngứa lên. Và dương vật của gã mới đây thôi còn ỉu xìu èo uột mà giờ bắt đầu cứng và cương lên tạo thành một chỗ lồi ra trước chiếc áo. Gã đang đứng trong chỗ tối, thế nhưng cũng có thể lộ ra lắm.
Tháo xong chiếc khóa, cô mang nó tới trước cửa sổ để kiểm tra dưới ánh nắng chiếu xiên qua những tấm ván gỗ. Cô chọc vào ổ khóa một sợi dây mảnh rồi lắc mạnh để nghe tiếng phát ra. Mặt cô nhăn lại, đôi môi cô mím chặt. Cuối cùng, cô lại đẩy ra một tiếng thở dài và quay lại nhìn Samsa.
“Bên trong bị trật rồi”, cô nói, “nó hỏng rồi. Đây đúng là cái khóa hỏng mà anh nói tới.”
“Tốt quá” Gã nói.
“Không, không tốt chút nào.”, cô nói, “ Tôi không thể sửa nó ngay được. Đó là một loại khóa đặc biệt. Nhưng tôi sẽ mang về và để bố tôi hoặc một trong những ông anh của tôi sửa nó. Có thể họ sửa được nó. Tôi mới đang học việc, tôi chỉ sửa được những loại thông thường thôi.”
“ Tôi hiểu”, Samsa nói. Vậy là cô ta có bố và một vài người anh. Một nhà thợ khóa.
“ Thực ra thì hôm nay nhẽ ra một trong những ông anh của tôi sẽ tới, nhưng ngoài kia đang có biến nên nhà tôi cho tôi đi thay. Bốt kiểm tra có ở khắp nơi trong thành phố.” Rồi cô nhìn lại cái khóa. “ Mà sao cái khóa lại hỏng được như này nhỉ? Lạ thật. Hẳn là ai đó đã dùng một dụng cụ đặc biệt chọc vào. Chứ không còn cách giải thích nào khác nữa.”
Và cô lại vặn người. Cô xoay hai tay như một vận động viên bơi lội đang tập một tư thế mới. Gã thấy động tác này rất thú vị và quyến rũ.
Gã đánh bạo hỏi. “ Tôi có thể hỏi cô một câu không?”
“ Một câu hỏi?” cô nói, đôi bắn có bắn ra một tia hồ nghi “ Tôi không tưởng tượng ra được nhưng anh cứ hỏi”.
“ Sao cô hay vặn mình như thế?”
Cô nhìn Samsa, đôi môi khẽ tách ra. “Vặn mình?” Cô nghĩ nghĩ một chốc. “ Ý anh là như thế này?” Cô mô tả cho gã xem.
“ Đúng nó rồi.”
“ Áo ngực của tôi không vừa” cô nói một cách nghiêm khắc. “ Chỉ thế thôi.”
“ Áo ngực?” Giọng Samsa thẫn thờ. Đây là một từ mà gã không tài nào nhớ được.
“ Áo ngực. Anh biết nó là cái gì mà?” cô nói. “ Hay anh thấy một phụ nữ gù như tôi mặc áo ngực là chuyện lạ lắm? Hay anh nghĩ bọn tôi tự phụ lắm?”
“ Gù?”, Samsa nói. Lại thêm một từ nữa bị hút vào cái khoảng trống mênh mông trong gã. Gã hoàn toàn không biết cô đang nói về cái gì. Nhưng gã vẫn biết là nên nói gì đó.
“ Không, tôi không hề nghĩ thế”, gã lắp bắp.
“ Nghe này. Phụ nữ gù bọn tôi cũng có hai bầu vú như những phụ nữ khác, và chúng tôi cũng phải dùng áo ngực để nâng giữ chúng. Chúng tôi không thể đi tới đi lui như lũ bò, thả rông cho hai bầu vú lắc qua lắc lại được.”
“ Tất nhiên là không rồi” Samsa bối rối.
“ Nhưng áo ngực không được thiết kế cho bọn tôi. Nó bị lỏng ra. Chúng tôi khác với phụ nữ bình thường mà. Thế nên chúng tôi vặn người thường xuyên để cho nó về chỗ cũ. Người gù có nhiều vấn đề hơn là anh tưởng đấy. Vậy ra đây là lý do anh nhìn tôi chằm chằm từ phía sau sao? Anh khoái trá lắm hả?”
“ Không, hoàn toàn không. Tôi chỉ hiếu kỳ sao cô làm vậy thôi.”
Vậy, gã kết luận ra được là áo ngực được thiết kế để giữ ngực đúng vị trí, và người gù là người có thân hình như người phụ nữ này đây. Có quá nhiều thứ trên thế giới này mà gã phải học.
“ Có đúng là anh không lấy tôi làm trò đùa đấy chứ?”, cô hỏi.
“ Tôi không có.”
Người phụ nữ hếch đầu lên nhìn Samsa. Cô có thể biết được là gã đang nói thật – trông gã không có vẻ gì là ác ý. Đầu gã hơi có vấn đề, vậy thôi. Có lẽ gã hơn cô vài tuổi. Chân thì khập khiễng mà đầu óc lại có vấn đề. Nhưng gã cũng là con nhà gia giáo, nhân cách thì không chê vào đâu được. Trông gã cũng ưa nhìn, tội cái hơi gầy gò xanh xao.
Đúng lúc này cô để ý tới cái chỗ nhô lên ở phần dưới cái áo choàng.
“ Cái quái gì thế kia?” cô nói một cách lạnh lùng. “ Cái thứ nhô lên kia là sao?”
Samsa nhìn xuống mặt trước cái áo choàng. Dương vật của gã đang phồng ra. Nghe giọng của cô thì gã đoán được tình trạng hiện thời của nó có cái gì đó không thích hợp.
“ Tôi hiểu rồi”, cô nói, giọng to lên. “ Anh đang tự hỏi chơi người gù thì cảm giác như thế nào phải không?”
“ Chơi?” Gã nói. Lai thêm một từ nữa mà gã không biết.
“ Anh đang tưởng tượng, khi mà một người gù bị còng người tới tận eo thì chỉ việc sáp lại một cách dễ dàng từ phía sau nhỉ?” Cô nói. “ Tin tôi đi, có cả đống kẻ đồi trụy như anh ở ngoài kia, nghĩ rằng bọn tôi sẽ để chúng muốn làm gì thì làm vì bọn tôi bị gù. Này, nghĩ lại đi nhé ông anh. Chúng tôi không dễ thế đâu.”
“ Tôi thực sự rất bối rối” Samsa nói. “ Nếu tôi có trót làm cô phật ý thì tôi rất lấy làm tiếc. Tôi thành thật xin lỗi. Xin hãy tha thứ cho tôi. Tôi không có ý xúc phạm. Tôi đã không được khỏe lắm, và có rất nhiều điều tôi không hiểu.”
“ Được rồi, tôi hiểu rồi”, Cô thở dài. “ Anh hơi chậm , phải không? Nhưng thằng nhỏ của anh khá đấy, đấy cũng là chuyện may, tôi đoán thế.”
“ Tôi xin lỗi,” Samsa lại nói.
“ Thôi quên đi”, giọng cô dịu đi, “ Tôi có bốn ông anh bất hảo ở nhà. Từ hồi tôi còn bé họ đã cho tôi xem mọi thứ rồi. Họ đối xử với tôi như thể một trò đùa. Rặt một lũ khốn nạn. Thế nên tôi không đùa đâu nếu tôi nói tôi có căn cứ.”
Cô ngồi xổm xuống để cho lại đồ nghề vào túi, gói lại cái khóa hỏng vào mảnh flannel và nhẹ nhàng đặt nó vào trong.
“ Tôi sẽ mang cái khóa về nhà”, cô nói, đứng thẳng dậy. “ Nói với bố mẹ anh là chúng tôi sẽ sửa hoặc thay nó. Nếu chúng tôi phải thay cái mới thì sẽ mất ít thời gian. Việc như thế nào thì phải xử lý thế ấy thôi. Đừng quên bảo với họ đấy, ok? Anh có nghe tôi không đấy? Anh nhớ chưa?”
“ Tôi sẽ nói với họ”, Samsa nói.
Cô đi chậm rãi xuống cầu thang, Samsa lê bước theo sau. Nhìn theo thì họ đúng là một cặp tương phản: trông cô thì như thể đang bò bằng tứ chi, còn gã thì ngả ra sau theo cái cách bất thường nhất. Nhịp chân của họ giống như nhau. Samsa có hết sức dìm cái chỗ lồi xuống, nhưng cái vật đấy không chịu quay về cái trạng thái ngủ yên. Nhìn cô đi xuống cầu thang mà tim Samsa đập rộn. Huyết mạch tươi nóng đang rần rật chảy. Còn cái chỗ bất trị kia thì vẫn nhô ra như cũ.
“ Như tôi đã nói đấy, một trong mấy ông anh của tôi nhẽ ra hôm nay phải tới đây”, cô nói khi họ tới cửa chính. “ Nhưng ngoài đường toàn là lính với xe tăng. Người dân đang bị bố ráp. Thế nên là đàn ông trong nhà không được ra ngoài. Một khi bị bắt, chẳng biết khi nào mới được về. Đó là lý do tôi được cử tới. Đi dọc hết các đường phố Prague. Một mình. ‘Sẽ chẳng ai chú ý tới một con gù’, họ nói thế đó.”
“ Xe tăng?” Samsa lẩm bẩm.
“ Ừ, nhiều lắm. Xe tăng với súng đại bác rồi súng máy nữa. Súng ống của anh cũng ấn tượng đấy,” cô nói, tay chỉ xuống chỗ lồi dưới áo choàng gã, “ nhưng súng đại bác kia thì còn to và mạnh hơn, gây sát thương hơn nhiều. Hy vọng là mọi người trong nhà anh trở về an toàn.”
Samsa lại đánh bạo. “ Chúng ta có thể gặp lại nhau không?” gã nói.
Cô ngẩng đầu lên nhìn Samsa. “ Anh nói là anh muốn gặp lại tôi ư?”
“ Đúng. Tôi muốn gặp cô lần nữa.”
“ Với cái vật thòi ra thế kia à?”
Samsa nhìn xuống chỗ lồi lần nữa. “ Tôi không biết phải giải thích sao nữa nhưng nó không liên quan gì tới cảm xúc của tôi cả. Nó hẳn là như một vấn đề về tim vậy.”
“ Không đùa chứ,” cô nói, vẻ ấn tượng. “ Anh nói là vấn đề về tim sao. Đúng là một cách nhìn nhận thú vị đấy. Tôi chưa từng nghe điều đó bao giờ.”
“ Cô thấy đó, tôi không điều khiển được nó.”
“ Và nó không liên quan gì tới chuyện ‘chơi’?”
“ Tôi không nghĩ gì tới cái đó cả. Thật đấy.”
“ Vậy để tôi nói thẳng. Khi thằng nhỏ của anh cương cứng lên như thế, thì hóa ra là do tim anh chứ không phải do đầu anh hả?”
Samsa gật đầu đồng ý.
“ Thề có Chúa chứ?” cô nói.
“ Chúa,” Samsa nhắc lại. Lại một từ nữa mà gã không nhớ được là đã từng nghe chưa. Gã rơi vào trầm lặng.
Cô lắc đầu mệt mỏi. Cô vặn người lần nữa để chỉnh lại áo ngực. “ Bỏ đi. Có vẻ như Chúa đã rời Prague mấy hôm trước rồi. Quên ông ta đi thôi.”
“ Vậy tôi có thể gặp lại cô chứ?” Samsa hỏi.
Ở gương mặt cô ánh lên một vẻ mới mẻ, đôi mắt cô như đang chìm vào một phong cảnh xa xôi mờ sương.
“ Anh muốn gặp lại tôi thật sao?”
Samsa gật đầu.
“ Chúng ta sẽ làm gì?”
“ Chúng ta có thể nói chuyện cùng nhau”.
“ Về cái gì?”, cô hỏi.
“ Về nhiều thứ”
“ Chỉ nói thôi?”
“ Có rất nhiều điều tôi muốn hỏi cô,” Samsa nói.
“ Về cái gì?”
“ Về thế giới này. Về cô. Về tôi. Tôi cảm thấy có rất nhiều thứ chúng ta cần nói. Xe tăng chẳng hạn. Hay Chúa. Hay áo ngực. Và mấy cái khóa nữa.”
Hai người lại rơi vào khoảng lặng.
“ Tôi không biết nữa,” cuối cùng cô nói. Cô chầm chậm lắc đầu, nhưng sự lạnh lùng trong lời nói đã tản đi nhiều. “ Anh có gia thế tốt hơn tôi. Và tôi cá là bố mẹ anh sẽ phát khiếp nếu thấy cậu con quý tử đi giao du với một đứa gù sống ở khu ổ chuột trong thị trấn. Kể cả khi anh ta có què hay chậm trí. Mà quan trọng nhất là cả thành phố ngập tràn quân đội và xe tăng. Ai biết được là chuyện gì sẽ diễn ra.
Samsa chắc chắn không biết chuyện tương lai. Gã mù mờ về tất cả mọi thứ: tương lai, cố nhiên rồi, và cả hiện tại hay quá khứ nữa. Cái gì đúng, cái gì sai? Nội chuyện học cách mặc quần áo thôi đã khó khăn rồi.
“ Dù sao thì mấy hôm nữa tôi sẽ trở lại đây”, cô gái gù nói. “ Nếu chúng tôi sửa được, tôi sẽ mang khóa lại, còn khi không sửa được thì tôi cũng sẽ trả lại nó. Dĩ nhiên là anh phải trả phí dịch vụ. Nếu anh ở đây thì chúng ta sẽ gặp lại nhau. Còn chúng ta có nói chuyện được lâu hay không thì tôi không biết nữa. Nhưng nếu tôi là anh thì tôi sẽ giấu cái chỗ lồi kia khỏi bố mẹ anh. Trong đời thực, anh không nhận được lời tán dương nào về việc phô ra cái thứ kia đâu.”
Samsa gật đầu. Gã chưa hoàn toàn hiểu, mà sao có thể giữ cho cái thứ kia khuất tầm mắt được nhỉ.
“ Thật lạ nhỉ?”, cô nói với giọng đăm chiêu, “ ngoài kia mọi thứ đang đảo điên, vậy mà vẫn có người quan tâm tới một cái khóa hỏng, và vẫn có người có đủ trách nhiệm để sửa nó. Nhưng có khi nên thế. Có lẽ khi ta cố gắng tận tâm và thành thật nhất có thể để làm những điều nhỏ bé, lại chính là cách để ta giữ gìn chính khí khi thế giới đang dần sụp đổ.
Cô ngẩng đầu lên nhìn Samsa. “ Tôi không có ý soi mói, nhưng có chuyện gì xảy ra ở căn phòng tầng hai vậy? Sao bố mẹ anh lại cần một cái khóa to đùng cho một căn phòng có độc một cái giường, và sao họ lại bận tâm thế khi khóa hỏng? Còn mấy thanh gỗ đóng ngang cửa sổ nữa? Có gì bị nhốt trong đó đúng không?”
Samsa lắc đầu. Nếu có ai đó hay thứ gì bị nhốt trong đó, thì hẳn là gã. Nhưng sao lại cần làm thế? Gã cũng không rõ.
“ Hỏi anh chắc chẳng ích gì,” cô nói, “ thôi, tôi phải đi rồi. Họ sẽ lo lắng nếu tôi về muộn. Cầu trời cho tôi thuận buồm xuôi gió. Rằng không một gã lính nào để ý tới một con gù tội nghiệp. Rằng không có tên biến thái nào trong đám lính. Chúng tôi bị lăng nhục thế cũng đủ lắm rồi.”
“ Tôi sẽ cầu nguyện”, Samsa nói. Nhưng gã cũng không biết “ biến thái” hay “cầu nguyện” nghĩa là gì.
Cô cầm chiếc túi đen lên và đi về phía cửa.
“ Tôi sẽ gặp lại cô chứ?” Samsa hỏi lần cuối.
“ Nếu anh nghĩ về ai đó đủ nhiều, chắc chắn là anh sẽ gặp lại họ,” cô nói khi chia tay. Lần này trong giọng cô đã hàm chứa sự ấm áp.
“ Để ý lũ chim nhé,” gã gọi với theo cô. Cô quay lại và gật đầu. Sau đó cô đi ra phía con phố.
Samsa nhìn cô đi qua chỗ thủng của tầm rèm. Dáng cô gù đang sải bước trên con đường phủ đá cuội đằng xa, tuy hơi kỳ quặc nhưng nhanh lạ. Gã thấy từng cử động của cô thật quyến rũ. Cô làm gã liên tưởng tới con nhện nước đã rời mặt nước để chạy nháo nhào về mặt đất khô cằn. Gã có thể kết luận là đi kiểu của cô còn hợp lý hơn nhiều việc đứng thẳng mà lảo đảo trên hai chân.
Cô đi khuất tầm mắt được một lúc thì gã nhận ra dương vật gã đã mềm ra và teo lại. Cái thứ khi nãy còn nhô lên kinh khiếp đã biến mất. Giờ thì của quý của gã nằm lủng lẳng giữa hai chân gã như một thứ quả vô hại, bình yên và yếm thế. Súng đã yên vị trong bao. Gã chỉnh lại dây lưng, rồi ngồi xuống bàn trong phòng ăn, uống nốt chỗ cà phê lạnh còn lại.
Những người sống ở đây đã đi nơi khác. Gã không biết họ là ai, nhưng gã tưởng tượng họ là gia đình của gã. Có chuyện gì đó đột ngột xảy đến, và họ đi hết. Có lẽ họ sẽ không bao giờ trở lại. “ Thế giới đang dần sụp đổ” nghĩa là sao? Gregor Samsa không biết. Quân đội nước ngoài, các cứ điểm, xe tăng – mọi thứ như đang nằm trong một vùng chướng khí mịt mờ bí ẩn.
Thứ duy nhất gã nắm chắc là gã muốn gặp lại cô gái gù. Để được ngồi đối diện cô và giãi bày nỗi lòng. Để được cùng cô giải mã những bí ẩn của thế giới. Gã muốn chiêm ngưỡng cô vặn người lúc chỉnh áo ngực ở mọi góc nhìn. Nếu có thể, gã muốn được vuốt ve lên cơ thể cô. Để được chạm vào làn da mềm mại, được cảm thụ hơi ấm của cô bằng đầu ngón tay. Để được sánh bước với cô đi lên và đi xuống những cầu thang trên thế giới.
Chỉ nghĩ về cô thôi đã khiến gã ấm lòng. Gã không còn muốn biến thành cá hay hoa hướng dương hay bất kỳ thứ gì khác nữa. Gã hạnh phúc vì được làm người. Chuyện đi đứng bằng hai chân hay mặc quần áo thì chắc chắn là bất tiện rồi. Vẫn còn quá nhiều điều gã không biết. Nếu như gã là cá hay hoa hướng dương mà không phải là người thì gã sẽ không bao giờ trải nghiệm được xúc cảm này. Hắn cảm thấy vậy.
Samsa nhắm nghiền hai mắt và ngồi đó một lúc lâu. Sau đó, gã hạ quyết tâm. Gã đứng dậy, nắm lấy cây gậy đi bộ màu đen và đi về phía cầu thang. Hắn sẽ lên lại tầng hai và tìm cách mặc quần áo sao cho đúng đắn. Chí ít thì hiện giờ, đó là nhiệm vụ của gã.
Thế giới đang chờ gã học hỏi.
26/02/2015
Vũ Minh Đức dịch từ bản tiếng Anh của Ted Goossen đăng trên The New Yorker
Chú thích:
*Gregor Samsa là nhân vật chính trong truyện Metamorphosis được xuất bản vào năm 1915 của nhà văn Franz Kafka. Truyện đã được Nhã Nam xuất bản vào cuối năm 2014 với tên Hóa thân. Thông tin về truyện từ Wikipedia tiếng việt ở đây.